Tại buổi trao đổi thông tin về kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018 ngày 16/6 ở Thanh Hóa, Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Huy Bằng cho biết, để chuẩn bị kì thi quốc gia 2018, Bộ đã có công văn số 1486/BGDĐT-TTr, ngày 16 tháng 4 năm 2018, hướng dẫn các địa phương về công tác thanh tra. 

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tổ chức tập huấn với 63 Sở Giáo dục và Đào tạo trên cả nước để thống nhất cách tổ chức kì thi.

Điểm khác biệt của kỳ thi năm nay, công tác thanh tra được phân tuyến rất rõ sao không chồng chéo giữa thanh tra Bộ, Sở gây hiệu quả thấp.

Về công tác thanh tra, ông Bằng cho hay, bên cạnh lực lượng thanh tra theo khu vực, năm nay Bộ chỉ đạo tại mỗi điểm thi có hai thanh tra cắm chốt. 

Theo đó, kỳ thi quốc gia 2018 có hơn 4.000 cán bộ thanh tra sẽ cắm chốt ở tất cả 2.144 điểm thi trên cả nước. Theo đó, mỗi điểm thi có một thanh tra của Sở Giáo dục và một của trường đại học phối hợp. 

Ông Bằng cho biết thêm, 4.000 cán bộ thanh tra thi năm nay đều không phải là cán bộ thanh tra chuyên nghiệp mà là các cán bộ của phòng đào tạo, phòng khảo thí, một số cộng tác viên thanh tra của các Sở. 

“Chúng tôi đã yêu cầu các Sở phải chọn những người nghiêm túc, hiểu biết về quy chế thi, trực tiếp tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra của 63 Sở, bảo đảm không những nắm chắc được quy chế thi mà phải nắm được nghiệp vụ thanh tra và đặc biệt phải có tinh thần thái độ, tinh thần trách nhiệm cao. 

Lực lượng này chúng tôi đã chỉ đạo và qua kiểm tra ở các Sở thấy rất nghiêm túc”, Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định. 

Ông Bằng cho biết, mỗi phòng thi có 2 giám thị coi thi, nếu làm đúng vai, đúng vị trí thì không lo lắng.

Cứ 7 phòng thi sẽ có một giám sát thi, nếu phòng thi xa cách nhau lực lượng này sẽ được tăng lên.

Ngoài ra, còn có lực lượng thanh tra của bộ, sở cắm chốt, thanh tra toàn diện kỳ thi bao gồm từ chủ tịch hội đồng trở xuống.

Các lực lượng làm nhiệm vụ của mình cũng là giám sát lẫn nhau nhưng trên hết là Bộ đã yêu cầu các địa phương tập huấn quy chế thi thật kỹ để đảm bảo không xảy ra sai sót.

Bộ sẽ tổ chức các đoàn thanh tra theo khu vực, đồng thời cũng tổ chức đường dây nóng thu thập thông tin, phối hợp các đoàn thanh tra. 

Về chấm thi, Bộ cũng cử về mỗi hội đồng chấm thi 2 cán bộ thanh tra để giám sát liên tục từ khi làm phách đến khi chấm thi. Như vậy, có thể yên tâm công tác chấm thi sẽ được triển khai an toàn trên toàn quốc. 

Hơn nữa, ông Bằng cũng nhận định: “Những năm trước, thanh tra cắm chốt do điểm trưởng phân công nên khó đảm bảo khách quan. Năm nay, để đảm bảo khách quan, các đoàn thanh tra sẽ do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành lập, do đó, các cán bộ này sẽ độc lập với điểm thi và có quyền giám sát, thanh tra từ điểm trưởng đến các cán bộ coi thi, thí sinh...", ông Bằng nói. 

Bộ có phương án ngăn chặn gian lận thi cử ở cả phía thí sinh và giám thị

Về vấn đề gian lận trong thi cử, ông Bằng nhìn nhận do số lượng thi rất đông nên năm nào cũng xuất hiện do đội ngũ số lượng thanh tra có hạn, trong khi việc gian lận thi cử ngày càng tinh vi và các thiết bị gian lận được nguỵ trang bằng nhiều cách, có thể là thẻ ATM, camera siêu nhỏ cài cắm trong vỏ máy tính thí sinh được phép mang vào phòng thi... 

Năm 2017, đoàn thanh tra của Bộ Giáo dục đã phát hiện và lập biên bản những trường hợp gian lận như vậy. "Có những loại tai nghe không dây nhỏ bằng hạt đậu, công an phải dùng nam châm mới hút ra được", Chánh thanh tra kể. 

Tuy nhiên, theo Chánh thanh tra Bộ, việc này sẽ giảm đi nếu làm tốt việc tuyên truyền.

Ông Bằng cho hay, những vi phạm có thể xảy đến ở nhiều trường hợp như trực tiếp giải bài hoặc hướng dẫn làm bài, lấy bài thí sinh này đưa cho thí sinh khác, chấm thi không đúng,… trao đổi bài, chép bài của thí sinh khác, mang vật dụng vào phòng thi, đưa đề ra ngoài, thi hộ thi kèm…

Thanh tra Bộ cũng từng phát hiện các thiết bị có thể được ngụy trang bằng nhiều cách. Có thí sinh chuẩn bị những máy tính cầm tay có gắn thiết bị camera và có thể phát truyền thông tin.

Năm 2017 tại Quảng Nam, đoàn thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát hiện và lập biên bản những trường hợp gian lận như vậy.

"Có những loại tai nghe không dây nhỏ bằng hạt đậu, công an phải dùng nam châm mới hút ra được", Chánh thanh tra kể. 

Ông Bằng cũng lưu ý, khi thí sinh sử dụng những thiết bị đó hay có ý đồ xấu thì chắc chắn có những dấu hiệu bất thường.

Từ đó, ông Bằng đưa ra một số ví dụ, khi sử dụng máy tính cầm tay thì chỉ cần để trên bàn, nhưng khi cần dùng nó cho việc chụp ảnh thì sẽ buộc phải nâng cao máy lên. Nếu 2 giám thị quan sát thì có thể phát hiện ra ngay. 

Hay giả sử thí sinh có dùng tai nghe dạng không dây thì trong quá trình truyền thông tin ra có thể phải lẩm bẩm miệng để đọc nội dung và trao đổi về đề. Giám thị trách nhiệm và chú ý có thể phát hiện ra bất thường. Hoặc có những trường hợp, bằng mắt thường quan sát có thể thấy quần áo cộm,…

Trước khi vào phòng thi, giám thi cũng cần quán triệt các thí sinh, tránh trường hợp có thể không cố tình nhưng quên dẫn đến hệ quả đáng tiếc. Nếu giảm thị nghiêm và chú ý sẽ phát hiện các hiện tượng này.

Theo ông Bằng, giám thị không chỉ kiểm soát để ngăn thí sinh mang vật dụng trái phép vào phòng thi, mà còn phải nhạy cảm để phát hiện ra những hành vi bất thường của sĩ tử để kiểm tra, báo cáo xử lý kịp thời.

Trường hợp sự việc diễn ra, thì cán bộ coi thi và giám thị cũng không nên mất bình tĩnh, làm ảnh hưởng tới tất cả phòng thi bởi mỗi thí sinh mỗi đề.

Do đó, nếu thấy có dấu hiệu đặc biệt thì có thể làm biên bản để mời thí sinh ra ngoài. 

"Việc chống gian lận thi cử phải làm cả 2 phía, kiểm soát cả thí sinh và giám thị coi thi. Và sự việc giám thị chụp ảnh và chuyển đề thi lớp 10 của Hà Nội vừa qua là bài học kinh nghiệm khi tổ chức thi quốc gia”, ông Bằng nói. 

 Thùy Linh (giaoduc.net.vn)