Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng dự và phát biểu chỉ đạo. Cùng dự hội nghị có lãnh đạo và chuyên viên Thanh tra Bộ, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng, Vụ Tiểu học, Văn phòng Bộ; đại diện Bộ Công an; Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng; chuyên viên của các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng cán bộ cốt cán làm công tác thanh tra của các Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị. Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhắc lại nội dung chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2022.
Trong đó, giao trách nhiệm cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra theo phân cấp quản lý. Nhấn mạnh chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh trong điều kiện dịch bệnh, trong điều kiện bình thường mới.
Thứ trưởng cho biết, đối với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tất cả mọi công việc chuẩn bị từ cơ sở vật chất, đội ngũ, tới chuyên môn, thanh tra, kiểm tra đều phải hướng tới thí sinh, hướng tới một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, chất lượng, minh bạch, công bằng và hiệu quả.
Đánh giá thời gian qua bằng tinh thần trách nhiệm, sự cố gắng, công tác thanh tra, kiểm tra đã được làm tốt, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đồng thời lưu ý một số nội dung đối với công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022. Trong đó, nhấn mạnh tới nguyên tắc công tác thanh tra, kiểm tra để phòng ngừa.
Hội nghị tập huấn thu hút nhiều đại biểu tham gia. Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo
“Công tác thanh tra, kiểm tra về nguyên tắc mục tiêu là để phòng ngừa chứ không phải để xử lý. Phòng ngừa là chính, phòng ngừa từ sớm, từ xa, do đó phải kiểm tra sớm, kiểm tra kỹ lưỡng, lựa chọn các nội dung để không xảy ra các sai sót, vi phạm của thí sinh, cũng như các cán bộ làm công tác coi thi, để kỳ thi của chúng ta hướng tới mục đích an toàn”, Thứ trưởng nói.
Mặc dù đội ngũ làm công tác thanh tra, kiểm tra đã có kinh nghiệm thực tiễn, đã tham gia các kỳ thi trước, song theo Thứ trưởng tuyệt đối không được chủ quan, “bởi nói tới thi cẩn thận bao nhiêu cũng không đủ, chỉ một chút lơ là, sơ suất, bỏ qua một công đoạn, quy trình kiểm tra thì hệ lụy, hệ quả rất lớn”.
Chia sẻ điều này, Thứ trưởng đề nghị mỗi cán bộ thanh tra, kiểm tra cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực, phẩm chất và bản lĩnh, công tâm, khách quan. Để làm được như thế phải nghiên cứu rất kỹ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thi nói chung và thanh tra thi nói riêng.
Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Đức Cường (ở giữa); Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Phạm Quốc Khánh và đại diện Bộ Công an chủ trì phần thảo luận, giải đáp các ý kiến trao đổi từ đội ngũ làm công tác thanh tra. Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo
Thứ trưởng cũng đề nghị các cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra tham dự hội nghị tập huấn sẽ có những chia sẻ, trao đổi để cùng thống nhất cách làm, nhất là với những vấn đề còn vướng mắc, vấn đề còn có cách hiểu khác nhau.
Sau hội nghị, các địa phương cần xây dựng kế hoạch thanh tra phù hợp đáp ứng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đúng với quy chế và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, trong đó lưu ý tới việc dự báo các vấn đề có thể xảy ra vi phạm để tổ chức thanh tra, kiểm tra.
Các nội dung được trao đổi, thảo luận tại Hội nghị tập huấn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 bao gồm:
- Hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022; Hướng dẫn về quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022; Hướng dẫn kiểm tra, phát hiện thiết bị công nghệ cao gian lận trong hoạt động thanh tra, kiểm tra kỳ thi năm 2022.
- Hướng dẫn nghiệp vụ trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra kỳ thi năm 2022; Hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá kết quả tập huấn.
Theo Trần Lý (Giaoduc.net.vn)