Có 1 con riêng và 2 con chung có được kết nạp Đảng?

Theo Khoản 6 Điều 2 QĐ 05-QĐi/TW cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ) thuộc một trong hai trường hợp sau thì không bị coi là vi phạm chính sách về dân số, kế hoạch hóa gia đình và vẫn được kết nạp Đảng:

- Sinh 1 con hoặc 2 con, nếu 1 trong 2 người đã có con riêng (con đẻ);

- Sinh 1 con hoặc 2 con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai đã có con riêng (con đẻ).

(Quy định trên không áp dụng với trường hợp hai người đã từng có 2 con chung trở lên và các con hiện đang còn sống).

Đối chiếu với quy định nêu trên, trường hợp nêu trên không vi phạm chính sách về dân số và vẫn được kết nạp Đảng (đã có con riêng mà sinh 2 con).

Công chức sinh con thứ 3 có bị chậm tăng lương?

Điều 8 của Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định một loạt các hành vi vi phạm của công chức sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách, trong đó có các vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, dân số, hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới, an sinh xã hội; các quy định khác của pháp luật liên quan đến cán bộ, công chức.

Trong khi đó, Điểm a, Khoản 3, Điều 17 Nghị định 104/2003/NĐ-CP quy định: Mỗi cặp vợ chồng có nghĩa vụ thực hiện quy mô gia đình ít con – có 1 hoặc 2 con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.

Như vậy, nếu bạn là công chức và sinh con thứ 3 thì được coi là vi phạm chính sách của pháp luật về dân số và bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách.

Thông tư 08/2013/TT-BNV quy định công chức bị kỷ luật bằng hình thức kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách thì bị kéo dài thời hạn nâng lương đến 6 tháng (Điểm b, Khoản 3, Điều 2).

Sinh con thứ 3 được hưởng chế độ thai sản?

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, điều kiện để dược hưởng chế độ thai sản khi sinh con là phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con.

Căn cứ này cho thấy, nếu đáp ứng điều kiện nêu trên, người lao động sẽ được hưởng chế độ thai sản. Việc sinh con thứ 3 không ảnh hưởng gì tới việc được hưởng chế độ này. Hiện nay, các quyền lợi của chế độ thai sản mà người lao động được nhận như:

- Được nghỉ 6 tháng thai sản;

- Được nhận tiền thưởng chế độ với mức bình quân bằng 6 tháng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội;

- Được nhận trợ cấp một lần với mức bằng 2 tháng tiền lương cơ sở;

- Được nghỉ dưỡng sức sau sinh nếu hết thời gian nghỉ thai sản mà sức khỏe chưa đảm bảo…

“Chạy” giấy tờ khi sinh con thứ 3 có bị kỷ luật Đảng?

Theo Điều 27 của Hướng dẫn 04/HD-UBKTTW, trường hợp sinh con thứ 3 do mang thai ngoài ý muốn, nếu thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người mẹ mà có xác nhận của bệnh viện cấp huyện và tương đương trở lên thì đảng viên sẽ không bị xử lý kỷ luật.

Tuy nhiên, quyết định 102-QĐ/TW năm 2017 cũng quy định sẽ xử lý kỷ luật đối với trường hợp khai báo hoặc xin xác nhận, giám định không trung thực về tình trạng sức khỏe của vợ (chồng), con để trốn tránh không vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, cụ thể:

- Nếu gây ít hậu quả nghiêm trọng: Bị khiển trách;

- Nếu tái phạm hoặc vi phạm lần đầu mà gây hậu quả nghiêm trọng: Bị cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ);

- Nếu gây hậu quả rất nghiêm trọng: Bị khai trừ.

Do đó, nếu đảng viên “lách luật” để sinh con thứ 3 bằng cách “chạy” giấy tờ thì sẽ bị xử lý kỷ luật ở mức cao nhất là khai trừ ra khỏi Đảng.

Trên đây là một số vấn đề liên quan đến sinh con thứ 3 của cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên.

                                               Theo Trần Hường (Chi cục dân số - KKHGD tỉnh) - Báo Nghệ An số 5 ra ngày 24/02/2021