Ngày 08/02/2023 Bộ Tài Chính đã ban hành Thông tư số 09/2023/TT-BTC quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước  bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó có một số nội dung đáng chú ý như sau:

Tại Điều 3, Thông tư  số 09/2023/TT-BTC, các nội dung chi bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL bao gồm:

- Chi tổ chức các cuộc họp, hội thảo, tọa đàm để trao đổi nghiệp vụ kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản; họp xử lý kết quả kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản; họp bàn về kế hoạch kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản;

- Chi công tác phí cho các đoàn công tác thực hiện kiểm tra văn bản theo chuyên đề, địa bàn, ngành, lĩnh vực; kiểm tra tình hình thực hiện công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản;

- Chi điều tra, khảo sát thực tế phục vụ công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản;

- Chi lấy ý kiến chuyên gia;

- Chi báo cáo (bao gồm cả báo cáo tổng hợp và báo cáo của từng bộ, ngành, tổ chức, cơ quan nhà nước khác ở trung ương, địa phương, đơn vị) bao gồm: Báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý, rà soát văn bản theo chuyên đề, địa bàn, ngành, lĩnh vực; báo cáo kết quả hệ thống hóa văn bản định kỳ (5 năm); báo cáo kết quả tổng rà soát hệ thống văn bản; báo cáo Thủ tướng Chính phủ định kỳ hằng năm hoặc báo cáo đột xuất về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản. Chi báo cáo đánh giá về văn bản trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp;

- Chi chỉnh lý các loại dự thảo báo cáo tại khoản 5, Điều này (trừ báo cáo đánh giá về văn bản trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp);

- Chi công bố kết quả xử lý văn bản trái pháp luật, kết quả kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản trên các phương tiện thông tin đại chúng;

- Chi kiểm tra văn bản quy định tại khoản 2, Điều 106, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP; rà soát văn bản theo chuyên đề, lĩnh vực, địa bàn; rà soát, hệ thống hóa văn bản để thực hiện hệ thống hóa văn bản định kỳ (5 năm); rà soát văn bản khi thực hiện tổng rà soát hệ thống văn bản theo quyết định của Ủy ban thường vụ Quốc hội;

- Chi tổ chức đội ngũ cộng tác viên kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản;

- Chi kiểm tra lại kết quả hệ thống hóa văn bản theo quy định tại khoản 3 Điều 169 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP;

- Chi xây dựng hệ cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản theo quy định tại Điều 178 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP;

- Chi cho các hoạt động in ấn, chuẩn bị tài liệu, thu thập các văn bản thuộc đối tượng kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản;

- Các nội dung chi khác liên quan trực tiếp đến công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản

Ngoài ra, Điều 2, Thông tư 09/2023/TT-BTC cũng quy định rõ về nguyên tắc lập dự toán, quản lý, sử dụng kinh phí kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản.

Cụ thể, kinh phí phục vụ hoạt động tự kiểm tra văn bản theo quy định tại Điều 111, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và rà soát văn bản khi phát sinh căn cứ rà soát theo quy định tại Điều 142, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP được sử dụng từ nguồn kinh phí chi hoạt động thường xuyên của cơ quan thực hiện việc tự kiểm tra, rà soát văn bản.

Kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản của cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc cấp nào do ngân sách nhà nước cấp đó bảo đảm và được tổng hợp vào dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị.

Việc sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản phải đúng mục đích, đúng nội dung, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi theo quy định hiện hành về các chế độ chi tiêu tài chính và các quy định tại Thông tư số 09/2023/TT-BTC này.

Tại Trường Đại học Vinh, công tác xây dựng, góp ý ban hành hệ thống văn bản quản lí nội bộ Nhà trường được tiến hành liên tục, thường xuyên và đảm bảo những yêu cầu phải thay đổi theo hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan cấp trên. Tuy nhiên, cần có đầu tư nhiều hơn nữa cả về nhân lực và nguồn kinh phí cho công tác xây dựng, hệ thống hoá văn bản quản lí nội bộ của Nhà trường. Theo quy định này đề nghị Nhà trường xem xét bổ sung vào quy chế chi tiêu nội bộ của Trường về một số nội dung chi đảm bảo đúng quy định của pháp luật đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích cho viên chức, người lao động trong toàn Trường.

Thông tư số 09/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/4/2023 và thay thế Thông tư liên tịch số 158/2007/TTLT-BTC-BTP ngày 28/12/2007.

                                                                           Tin bài: Phòng Thanh tra – Pháp chế