Ngày 30 tháng 8 năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ (sau đây viết tắt là Thông tư số 23). Nội dung Quy chế thực hiện đúng tinh thần nâng cao quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học theo Luật Giáo dục đại học; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH13). Thông tư số 23 có một số điểm mới đáng lưu ý như sau:

Thứ nhất, Thông tư số 23 đã bổ sung hình thức đào tạo vừa làm vừa học cho chương trình định hướng ứng dụng.

Tại Điều 3, Thông tư số 23 quy định có 02 hình thức đào tạo thạc sỹ là: đào tạo chính quy và đào tạo vừa làm vừa học. Đối với mỗi hình thức đào tạo, cơ sở đào tạo có trách nhiệm cung cấp kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa cho từng chương trình đào tạo để định hướng học viên. Thông tư số 23 yêu cầu cơ sở đào tạo xây dựng và công khai kế hoạch giảng dạy và học tập; các học phần trong cơ sở đào tạo được bố trí đều trong các tuần của học kỳ (khoản 2,Điều 3). Trong trường hợp cần thiết phải xếp lịch học tập trung thời gian, số giờ giảng đối với mỗi học phần không được vượt quá 15 giờ trong một tuần và 4 giờ trong một ngày. Tổng số tín chỉ đăng ký tối đa trong một năm học không quá 45 tín chỉ với hình thức chính quy và không quá 30 tín chỉ với hình thức vừa làm vừa học.­­­ Hình thức đào tạo vừa làm vừa học có thời gian đào tạo toàn khóa dài hơn ít nhất 20% so với đào tạo chính quy (điểm b, khoản 2, Điều 3).

Nội dung ghi trên văn bằng và phụ lục văn bằng thực hiện theo quy định của Bộ GDĐT, trong đó phụ lục văn bằng ghi rõ chương trình định hướng nghiên cứu hoặc định hướng ứng dụng.

Thứ hai, Thông tư số 23 bổ sung thêm một số quy định về công nhận kết quả học tập và chuyển đổi tín chỉ trong đào tạo trình độ thạc sĩ.

Một số quy định bổ sung trong Thông tư số 23 là các quy định về công nhận kết quả học tập và chuyển đổi tín chỉ nhằm liên thông giữa các trình độ giáo dục đại học, trao đổi học thuật trong nước và với nước ngoài; tạo điều kiện cho cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo ở các trình độ giáo dục đại học liên thông với trình độ thạc sĩ; tổ chức thực hiện công nhận và chuyển đổi tín chỉ bảo đảm tiêu chuẩn và quy định của pháp luật. Về nguyên tắc trao đổi học viên, số lượng tín chỉ học viên theo học ở cơ sở đào tạo phối hợp được công nhận không quá 25% tổng số tín chỉ của cơ sở đào tạo học viên đang theo học nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo (Điều 4).

Tuy nhiên, song song với đó Quy chế của cơ sở đào tạo phải quy định chi tiết điều kiện, tiêu chí đánh giá, quy trình cụ thể cho việc công nhận và chuyển đổi tín chỉ và công khai danh mục ngành phù hợp đối với người học đã tốt nghiệp trình độ đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) cho từng cơ sở đào tạo.

Thứ ba, Thông tư số 23 cho phép các cơ sở tuyển sinh, đào tạo trực tuyến

 Tại Điều 6, Thông tư số 23 quy định các cơ sở đào tạo quyết định tuyển sinh theo 3 phương thức: thi tuyển, xét tuyển và kết hợp thi tuyển và xét tuyển. Thông tư số 23 cho phép thi tuyển theo hình thức trực tuyến khi đáp ứng điều kiện bảo đảm chất lượng để kết quả đánh giá tin cậy, công bằng như đối với tuyển sinh trực tiếp.

Về phương thức đào tạo trực tuyến: Thông tư số 23 cho phép đào tạo trực tuyến không quá 30% khối lượng tín chỉ của cơ sở đào tạo, cho phép đánh giá trực tuyến với điều kiện bảo đảm sự tin cậy, công bằng và khách quan như đánh giá trực tiếp, đóng góp không quá 50% trọng số điểm học phần. Trường hợp thiên tai, dịch bệnh và bất khả kháng khác, công tác đào tạo và đánh giá trực tuyến các học phần thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT (Điều 7).

Thứ tư, Thông tư số 23 quy định một người được hướng dẫn tối đa 5 học viên trong cùng một thời điểm

Tại Điều 8, Thông tư số 23 quy định học viên chương trình định hướng nghiên cứu phải hoàn thành luận văn; học viên chương trình định hướng ứng dụng phải hoàn thành học phần tốt nghiệp được thể hiện bởi một đề án, hoặc đồ án, hoặc dự án (gọi chung là đề án).

Người hướng dẫn phải có trình độ tiến sĩ trở lên, chuyên môn phù hợp với ngành đào tạo và đề tài luận văn của học viên. Một trong hai người hướng dẫn phải là giảng viên cơ hữu của cơ sở đào tạo. Tại một thời điểm, một người hướng dẫn tối đa 5 học viên (Khoản 3, Điều 8).

Sau khi bảo vệ thành công, toàn văn luận văn, báo cáo đề án (đã được chỉnh sửa, bổ sung theo yêu cầu của hội đồng nếu có) phải được lưu trữ tại thư viện của cơ sở đào tạo và công bố trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo trong ít nhất 30 ngày (Khoản 7, Điều 9).

Thứ năm, Thông tư số 23 yêu cầu chuẩn đầu ra đối với học viên phải đạt trình độ ngoại ngữ Bậc 4 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam thể hiện bằng các minh chứng như văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ.

Thông tư số 23 có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2021 áp dụng đối với khóa trúng tuyển từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành và thay thế Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ. Chi tiết nội dung Thông tư xem tại đây: thongtu232021ttbgddtbogiaoducvadaotao.pdf

                                                                                         Bài: Phòng Thanh tra - Pháp chế

                                                                                        Ảnh: Mỹ Hà - Baonghean.vn