Trong hai ngày 26 và 27/5, các đại biểu sẽ được giới thiệu một số điểm mới trong quy chế thi THPT quốc gia năm 2017; nội dung thanh tra thi THPT quốc gia theo thông tư 23/2016/TT-BGDĐT ngày 13/10/2016; kỹ năng thanh tra thi; cách thức xử lý các tình huống phát sinh trong thanh tra thi THPT quốc gia.
Các đại biểu sẽ thảo luận tại tổ và thảo luận chung xung quanh những thắc mắc về quy chế thi cũng như tình huống có thể phát sinh có liên quan đến công tác chuẩn bị thi, chấm thi… để được giải đáp.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết: Với 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp nhằm nâng cao chất lượng GD&ĐT năm học 2016 – 2017, ngành GD&ĐT đã triển khai rất tốt, những đổi mới của ngành về cơ bản đều được xã hội chia sẻ và đồng thuận cao.
Riêng quy chế thi đã được Bộ GD&ĐT ban hành từ khá sớm, sau khi đã có những giải thích cụ thể, về cơ bản đã nhận được đồng thuận từ xã hội.
Qua kiểm tra công tác chuẩn bị thi của các đoàn công tác của Bộ GD&ĐT tại một số địa phương cho thấy, về cơ bản, các địa phương không có gì quá khó khăn dù phải có một số điều chỉnh và những tình huống dự phòng.
Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Vai trò của thanh tra trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 là rất lớn, ảnh hưởng đến sự thành công của kỳ thi.
Các đoàn công tác Bộ GD&ĐT kiểm tra khâu chuẩn bị thi của các địa phương đều có sự tham gia của bộ phận thanh tra bởi chức năng của thanh tra không chỉ là phát hiện và xử lý những sai sót mà còn là ngăn ngừa và đề phòng. Ở góc độ của thanh tra sẽ phát hiện vấn đề khác với góc độ của người quản lý. Kỳ thi THPT quốc gia 2017 diễn ra ở tất cả các địa phương, quy mô lớn nên tính chất phức tạp cũng sẽ lớn, đòi hỏi sự vào cuộc cũng như tinh thần trách nhiệm cao của các địa phương.
Chủ trương của Chính phủ và ngành GD&ĐT là giành phần khó khăn cho nhà quản lý và thầy cô giáo nhằm tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh dự thi.
Tính chất của kỳ thi cũng khác hẳn 3 năm trước khi các địa phương và Sở GD&ĐT chỉ đảm nhiệm chủ trì cụm thi địa phương với mục đích xét tốt nghiệp. Vai trò của chính quyền địa phương cũng như các Sở GD&ĐT, đặc biệt là lực lượng thanh tra vì vậy đòi hỏi trách nhiệm cao hơn”.
Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng đề nghị các báo cáo viên, ngoài phân tích kỹ những nét mới trong quy chế thi THPT quốc gia năm 2017 còn phải lấy ví dụ minh họa từ các tình huống của những năm qua để phân tích, rút kinh nghiệm.
“Thi cử thì có hàng ngàn tình huống, không ai có thể dám chắc mình lường hết được tất cả các tình huống phát sinh. Nhưng càng biết được nhiều những tình huống đã xảy ra rồi thì sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm xử lý, đảm bảo cho kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, công bằng, khách quan mà không ảnh hưởng đến tâm lý thi cử của thí sinh, tạo dư luận không tốt trong xã hội”.
(Nguồn: giaoducthoidai.vn)