Liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi THPT quốc gia 2019, trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Huy Bằng cho biết: Rút kinh nghiệm từ Kỳ thi THPT quốc gia 2018, Bộ GD-ĐT đã ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra kỳ thi THPT Quốc gia 2019 với nhiều điều chỉnh, bổ sung nhằm khắc phục những hạn chế, tiêu cực trong thi cử.

Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng trao đổi về những điểm mới trong công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Vừa qua, Bộ GD-ĐT tổ chức các hội nghị tập huấn cho tất cả các Sở GD-ĐT các địa phương về công tác thanh tra. Khác với những năm trước, năm nay, sau khi nghe ý kiến thực tế của các Sở góp ý vào dự thảo, Bộ mới ban hành hướng dẫn công tác thanh tra thi. Bên cạnh tập huấn kỹ về quy chế, còn tập huấn cho cán bộ một số kỹ năng chấm thi để bảo đảm theo đúng quy trình.

Năm nay, số lượng thanh tra tại các điểm thi được quy định linh hoạt tùy theo số lượng phòng thi. Bộ GD-ĐT chỉ yêu cầu tối thiểu hai cán bộ thanh tra ở một điểm thi. Do đó, các điểm thi tùy số lượng phòng thi tăng lên mà tăng số lượng thanh tra.

Trong khâu chấm thi, bên cạnh thanh tra là cán bộ do các trường đại học (ĐH) cử đi, còn điều động thêm thanh tra là cán bộ của các sở GD-ĐT. Đáng lưu ý là năm nay sẽ tổ chức thanh tra chéo. Thí dụ, thành lập đoàn thanh tra chấm thi tại Hà Tĩnh thì sẽ lấy hai cán bộ đến từ trường ĐH (không đóng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh) cùng với thanh tra của Sở GD-ĐT địa phương khác. Đoàn thanh tra này chỉ áp dụng với chấm thi trắc nghiệm, còn Bộ GD-ĐT tổ chức thanh tra toàn bộ cả chấm thi tự luận và trắc nghiệm.

Về thẩm quyền, tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra, năm nay Ban Chỉ đạo thi T.Ư quyết định thành lập các đoàn kiểm tra phân chia đến tất cả các địa phương. Các đoàn kiểm tra này do các thứ trưởng, lãnh đạo các vụ, cục làm trưởng đoàn trực tiếp đến làm việc với ban chỉ đạo thi cấp tỉnh; Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT quyết định thành lập các Đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo và xét công nhận tốt nghiệp THPT tại các Hội đồng thi và sở GD-ĐT… Sau các đoàn kiểm tra này, những nơi cần phải lưu ý thì thanh tra Bộ sẽ thành lập các đoàn kiểm tra để đôn đốc, xem xét địa phương có chấn chỉnh và thực hiện nghiêm không, do đó cần có sự phối hợp rất kỹ giữa thanh tra và kiểm tra. Bộ GD-ĐT yêu cầu thanh tra các Sở GD-ĐT ở các điểm thi có tổ trực thanh tra và trực đường dây nóng để điều phối, nắm tình hình và có lực lượng thanh tra lưu động để khi cần hỗ trợ kịp thời.

Chánh thanh tra GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng nhấn mạnh, ngoài những quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn của những người tham gia thanh tra, kiểm tra thi phải có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan, Bộ GD-ĐT yêu cầu đối với các cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian bị kỷ luật hoặc đang trong quá trình xem xét trách nhiệm liên quan đến tiêu cực về thi không tham gia công tác thanh tra, kiểm tra thi.

Rút kinh nghiệm ở Kỳ thi THPT quốc gia 2018, cán bộ thanh tra, kiểm tra làm việc liên tục tại vị trí được phân công; báo cáo Trưởng Đoàn thanh tra kịp thời về lý do vắng mặt tại địa điểm thanh tra, kiểm tra trong thời gian thanh tra, kiểm tra (nếu có); Cán bộ thanh tra, kiểm tra chịu trách nhiệm liên đới đối với các vi phạm Quy chế thi của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao...

(Quỳnh Nguyễn - theo nguồn:http://nhandan.com.vn