Thực hiện theo Công văn số 5779/BGDĐT-PC ngày 18/10/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc triệu tập đại biểu tham dự Tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ người làm công tác pháp chế đối với các cơ sở GDĐH trực thuộc Bộ GDĐT; Công văn số 5780/BGDĐT-PC của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc triệu tập đại biểu tham dự Hội nghị Tập huấn công tác pháp chế ngành giáo dục năm 2023 tại Trường Đại học Nha Trang, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà, thời gian từ ngày 02/11/2023 đến ngày 04/11/2023. PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tham dự và chủ trì Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết: Trong những năm gần đây, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương, công tác pháp chế ngành giáo dục đã được triển khai một cách tích cực, toàn diện, kịp thời và đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của ngành giáo dục ở Trung ương cũng như ở địa phương. Hệ thống tổ chức pháp chế ngành giáo dục từ Bộ đến các Sở GDĐT, các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng sư phạm đã thực hiện tốt chức năng tham mưu cho lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong công tác xây dựng pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật; tham mưu, tư vấn pháp luật nói chung và pháp luật về giáo dục và đào tạo nói riêng cho Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị. Trước yêu cầu của công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế, Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, Thứ trưởng Bộ GDĐT nhận định vị trí, vai trò của người làm công tác pháp chế ngày càng được nâng cao; chức năng, nhiệm vụ ngày càng được mở rộng, với yêu cầu ngày càng cao về chất lượng và tiến độ giải quyết công việc.
Tại Hội nghị các chuyên đề đã được các báo cáo viên trình bày, gồm: Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về chuyên môn, tổ chức bộ máy tại các cơ sở GDĐH hiện nay; Lấy ý kiến dự thảo Luật Nhà giáo và các quy định về quyền, nghĩa vụ và các chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Vai trò của Công tác pháp chế trong việc quản lí và chỉ đạo điều hành tại đơn vị; Kỹ năng xây dựng và đánh giá tác động chính sách trong công tác xây dựng đơn vị; Triển khai xây dựng hệ thống văn bản bộ và tổ chức thực hiện tại các cơ sở GDĐH trực thuộc Bộ GDĐT hiện nay; Nội dung cơ bản tại Quy định số 125-QĐ/TW đối với Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các cơ sở GDĐH trực thuộc Bộ GDĐT; Vai trò của nghiệp vụ công tác pháp chế đối với tự chủ đại học.
Hội nghị đã dành thời gian cho đại biểu thảo luận với các nội dung: Những khó khăn vướng mắc trong công tác triển khai, thực hiện và tham mưu cho lãnh đạo đơn vị đối với công tác pháp chế; Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, tham mưu ban hành văn bản QPPL/ văn bản nội bộ của đơn vị; Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ người làm công tác pháp chế tại Sở/Trường vướng mắc, khó khăn; Thuận lợi, khó khăn, giải pháp việc thực hiện công tác pháp chế tại đơn vị; Kiến nghị đề
xuất đối với các nhiệm vụ pháp chế trọng tâm cần thực hiện tại đơn vị; và một số nội dung khác liên quan đến công tác pháp chế trong ngành giáo dục.
Bế mạc Hội nghị, TS. Mai Thị Anh, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ GDĐT đã khẳng định vai trò của công tác pháp chế trong ngành giáo dục là rất quan trọng, Vụ trưởng cũng ghi nhận những đóng góp mà công tác pháp chế trong ngành giáo dục đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời mong muốn những người làm công tác pháp chế cần nổ lực phấn đấu để ngày càng nâng cao vị thế, vai trò của công tác pháp chế trong ngành giáo dục nói chung và các cơ sở giáo dục đại học nói riêng.
Một số hình ảnh tại Hội nghị
PGS.TS. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu khai mạc Hội nghị
Hơn 300 đại biểu trên toàn quốc tham dự Hội nghị
TS. Đặng Thị Thu, Trưởng phòng Thanh tra – Pháp chế, Trường Đại học Vinh phát biểu ý kiến
Đại biểu ở các cơ sở GDĐH chụp ảnh với lãnh đạo và chuyên viên Vụ pháp chế Bộ Giáo dục và Đào tạo
Tin bài: Phòng Thanh tra – Pháp chế