I. VĂN BẢN DO QUỐC HỘI, CHÍNH PHỦ, CÁC BỘ BAN HÀNH

             1. Nghị định số 124/2024/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 05/10/2024 sửa đổi Nghị định 86/2018/NĐ-CP: Quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục

Ngày hiệu lực 20/11/2024.

Theo đó, Nghị định 124/2024/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng liên kết giáo dục của bên Việt Nam và bên nước ngoài như sau:

- Bên Việt Nam: Cơ sở giáo dục mầm non tư thục, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục do nhà đầu tư trong nước đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động, được thành lập và hoạt động tại Việt Nam.

- Bên nước ngoài:

+ Cơ sở giáo dục được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, có thời gian hoạt động ít nhất 05 năm ở nước ngoài tính đến ngày nộp hồ sơ và không vi phạm pháp luật của nước sở tại trong thời gian hoạt động, có giảng dạy trực tiếp, có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục còn hiệu lực hoặc được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về giáo dục của nước ngoài công nhận về chất lượng giáo dục;

+ Tổ chức cung cấp chương trình giáo dục được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, có thời gian hoạt động cung cấp chương trình giáo dục mầm non hoặc phổ thông ít nhất là 05 năm tính đến ngày nộp hồ sơ xin thực hiện liên kết giáo dục.

(Hiện hành, Nghị định 86/2018/NĐ-CP chỉ quy định rằng cơ sở giáo dục mầm non tư thục, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục của Việt Nam và cơ sở giáo dục hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, được cơ quan, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài công nhận về chất lượng giáo dục).

Cũng theo Nghị định 124/2024/NĐ-CP thì chương trình đào tạo của nước ngoài được thực hiện tại Việt Nam phải bảo đảm các yêu cầu sau:

- Là chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài, được cơ quan có thẩm quyền của nước đó cho phép đào tạo và cấp bằng hoặc có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng còn hiệu lực do tổ chức kiểm định chất lượng hợp pháp cấp;

- Không có nội dung gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng; không truyền bá tôn giáo, xuyên tạc lịch sử; không ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.

(Hiện hành, Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định chương trình đào tạo của nước ngoài thực hiện tại Việt Nam là chương trình đã được kiểm định chất lượng giáo dục ở nước sở tại hoặc được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước sở tại công nhận về chất lượng giáo dục; không có nội dung gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng; không truyền bá tôn giáo, xuyên tạc lịch sử; không ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và phải bảo đảm điều kiện liên thông giữa các trình độ đào tạo).

             2.Nghị định số 125/2024/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 05/10/2024: Quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục

Ngày hiệu lực: 20/11/2024

Nghị định này quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, bao gồm:

- Thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động giáo dục, đình chỉ hoạt động giáo dục, sáp nhập, chia, tách, giải thể đối với: Cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt;

- Thành lập hoặc cho phép thành lập, đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể đối với: Cơ sở giáo dục thường xuyên, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập;

- Thành lập hoặc cho phép thành lập trường cao đẳng sư phạm; cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng; đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng; sáp nhập, chia, tách, giải thể trường cao đẳng sư phạm; sáp nhập trường cao đẳng vào trường đại học;

- Thành lập hoặc cho phép thành lập trường đại học, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học; cho phép trường đại học, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học hoạt động đào tạo; đình chỉ hoạt động đào tạo của cơ sở giáo dục đại học, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học; sáp nhập, chia, tách cơ sở giáo dục đại học; giải thể cơ sở giáo dục đại học, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học; công nhận đại học vùng, đại học quốc gia (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục đại học);

- Thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động, đình chỉ hoạt động, giải thể tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam; công nhận tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài hoạt động tại Việt Nam;

- Đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học; đình chỉ kinh doanh dịch vụ tư vấn du học; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.

- Điều kiện đầu tư và hoạt động của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài tại Việt Nam, phân hiệu cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài được thực hiện theo quy định tại Nghị định quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Nghị định này áp dụng đối với:

Cơ sở giáo dục mầm non; nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập; cơ sở giáo dục phổ thông; cơ sở giáo dục thường xuyên; trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập; trường chuyên biệt; trường cao đẳng thực hiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng; cơ sở giáo dục đại học; tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học; tổ chức và cá nhân khác thực hiện hoạt động giáo dục.

Nghị định này không áp dụng đối với tổ chức hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp và kinh doanh dịch vụ tư vấn du học về giáo dục nghề nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

             3. Thông tư số 11/2024/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 18/9/2024: Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập

Ngày hiệu lực: 04/11/2024

Thông tư này quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập, bao gồm: trường tiểu học; trường trung học cơ sở; trường trung học phổ thông; trường phổ thông có nhiều cấp học; trường trung học phổ thông chuyên; trường phổ thông dân tộc nội trú; trường phổ thông dân tộc bán trú; trường, lớp dành cho người khuyết tật (được gọi chung là cơ sở giáo dục phổ thông công lập).

             4. Thông tư số 69/2024/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 01/10/2024: Quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung cấp quốc gia

             Ngày hiệu lực: 15/11/2024

 Thông tư này quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung cấp quốc gia theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 53 Luật Đấu thầu năm 2023.

Đối tượng áp dụng gồm đơn vị mua sắm tập trung của các Bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội.

Theo Điều 2 Thông tư 69/2024/TT-BTC thì danh mục mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung cấp quốc gia là xe ô tô phục vụ công tác chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị bao gồm:

- Xe ô tô phục vụ công tác chung 4-5 chỗ ngồi.

- Xe ô tô phục vụ công tác chung 7-9 chỗ ngồi.

- Xe ô tô phục vụ công tác chung 12-16 chỗ ngồi.

- Xe ô tô phục vụ công tác chung bán tải.

Danh mục quy định trên không áp dụng đối với xe ô tô phục vụ công tác chung là:

- Xe ô tô phục vụ công tác chung của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.

-  Xe ô tô 2 cầu có công suất lớn theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 72/2023/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô.

                      5. Thông tư số 70/2024/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 01/10/2024: Quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước

Ngày hiệu lực 15/11/2024.

Thông tư này quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án (BQLDA) sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

 Đối tượng áp dụng: Chủ đầu tư, BQLDA do chủ đầu tư thành lập, BQLDA chuyên ngành, BQLDA khu vực được thành lập theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý dự án.

Chủ đầu tư, BQLDA quản lý dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ: Thực hiện quản lý dự án theo điều ước quốc tế, thỏa thuận với nhà tài trợ về ODA, vốn vay ưu đãi đã ký kết và pháp luật hiện hành về quản lý và sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi, Thông tư hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính. Trường hợp không có quy định tại điều ước quốc tế, thỏa thuận với nhà tài trợ, pháp luật hiện hành về quản lý và sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi, Thông tư hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính thì thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

Chủ đầu tư, BQLDA thuộc đơn vị sự nghiệp công lập (sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư): Thực hiện trình tự, nội dung lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán theo quy định tại Thông tư này. Cơ chế tài chính (định mức chi của các khoản chi, chi phí tiết kiệm và định mức khác chi cho các chi phí khác có liên quan đến quản lý dự án) và thẩm quyền thẩm định, thẩm tra, phê duyệt dự toán, quyết toán thực hiện theo quy định của đơn vị sự nghiệp công lập được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư.

II. VĂN BẢN QUẢN LÍ NỘI BỘ CỦA TRƯỜNG BAN HÀNH

1.Quyết định số 2985/QĐ-ĐHV ngày 12/11/2024 của Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh về việc ban hành Quy định về công khai trong hoạt động giáo dục.

Hiệu lực từ ngày 12/11/2024

Quy định về công khai trong hoạt động giáo dục tại Trường Đại học Vinh nhằm đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và quyền tiếp cận thông tin của người học, phụ huynh, cán bộ, giảng viên và xã hội. Các nội dung chính của quy định bao gồm nội dung công khai, cách thức công khai, thời điểm công khai và tổ chức thực hiện. Quy định này áp dụng đối với các đơn vị thuộc và trực thuộc, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động của Trường Đại học Vinh.

2. Quyết định số 2999/QĐ-ĐHV ngày 25/11/2024 của Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh về việc ban hành Quy định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm chức danh Giáo sư, Phó giáo sư tại Trường Đại học Vinh.

Hiệu lực từ ngày 25/11/2024.

Quy định này quy định điều kiện tiêu chuẩn, trình tự xét bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm chức danh Giáo sư, Phó giáo sư tại Trường Đại học Vinh. Quy định này áp dụng đối với Giảng viên  của Trường Đại học Vinh; các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.

III. MỘT SỐ VĂN BẢN HẾT HIỆU LỰC

  1. Nghị định 46/2017/NĐ-CP cả Chính phủ ngày 21/4/2017 quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Hết hiệu lực từ ngày 20/11/2024;
  2. Nghị định 135/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 04/10/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2017 của chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Hết hiệu lực từ ngày 20/11/2024.
  3. Quyết định số 1508/QĐ-BGDĐT ngày 11 tháng 5 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc công bố thủ tục hành chính được thay thế lĩnh vực Hệ thống văn bằng, chứng chỉ thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hết hiệu lực từ ngày 02/11/2024.

 

PHÒNG THANH TRA – PHÁP CHẾ