I. VĂN BẢN DO QUỐC HỘI, CHÍNH PHỦ, CÁC BỘ BAN HÀNH

1. Thông tư  số 08/2024/TT-BGDĐT ngày 15/5/2024 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn lồng ghép nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường tiểu học, trường trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học

Ngày 15/5/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 08/2024/TT-BGDĐT Hướng dẫn lồng ghép nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường tiểu học, trường trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học

Theo đó, Thông tư 08/2024/TT-BGDĐT hướng dẫn lồng ghép nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh thông qua các môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông hiện nay đối với các trường tiểu học, trường trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học bao gồm: nội dung, phương pháp, hình thức, yêu cầu cần đạt và các điều kiện bảo đảm thực hiện việc lồng ghép.

Việc lồng ghép nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh theo Thông tư 08/2024/TT-BGDĐT sẽ được thực hiện thông qua nhiều phương thức gồm:

- Dạy học các bài học, chủ đề dạy học;

- Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong và ngoài lớp học;

- Tham quan di tích lịch sử, bảo tàng, nhà truyền thống, đơn vị lực lượng vũ trang;

- Tổ chức cắm trại, đọc sách, nghe, thi kể chuyện truyền thống, các hội thi tìm hiểu về quốc phòng và an ninh.

Thông tư số 08/2024/ TT- BGDĐT có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

2. Thông tư 40/2024/TT-BTC ngày 17/5/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn phương thức thanh toán một số khoản chi từ ngân sách nhà nước cho lưu học sinh, người học đang học tập ở nước ngoài theo các nhiệm vụ, Đề án đào tạo, bồi dưỡng trong trường hợp không thể chuyển được kinh phí ra nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành 

Ngày 17/5/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 40/2024/TT-BTC hướng dẫn phương thức thanh toán một số khoản chi từ ngân sách nhà nước cho lưu học sinh, người học đang học tập ở nước ngoài theo các nhiệm vụ, Đề án đào tạo, bồi dưỡng trong trường hợp không thể chuyển được kinh phí ra nước ngoài.

Theo đó, phương thức thanh toán chi từ ngân sách Nhà nước cho người học tập ở nước ngoài theo nhiệm vụ, Đề án đào tạo, bồi dưỡng trong trường hợp không thể chuyển được kinh phí ra nước ngoài như sau:

- Khi phát sinh trường hợp không thể chuyển được kinh phí ra nước ngoài cho lưu học sinh, người học đang học tập ở nước ngoài, các Bộ, cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực tại nước ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Thông tư 40/2024/TT-BTC gửi đề xuất đến Kho bạc nhà nước để làm thủ tục chi trả kinh phí cho lưu học sinh, người học (bao gồm sinh hoạt phí, bảo hiểm y tế tại nước ngoài) bằng đồng đô la Mỹ (USD) vào tài khoản cá nhân của lưu học sinh, người học mở tại các ngân hàng ở Việt Nam.

Các Bộ, cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác, trung thực và hợp pháp của hồ sơ đề xuất gửi đến Kho bạc Nhà nước, đồng thời đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành về quản lý ngoại hối.

- Mức chi sinh hoạt phí, bảo hiểm y tế cấp cho lưu học sinh, người học được thực hiện theo quy định tại các Thông tư của Bộ Tài chính quy định việc quản lý, sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ, Đề án đào tạo, bồi dưỡng tại nước ngoài như sau:

+ Điểm 3.2 Mục II Phần II Thông tư liên tịch 144/2007/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG và quy định tại Khoản 3,4 Điều 1 Thông tư liên tịch 206/2010/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG .

+ Khoản 3 và khoản 4 Điều 4 Thông tư 88/2017/TT-BTC .

+ Điểm b khoản 1 Điều 5 Thông tư 54/2022/TT-BTC .

+ Khoản 3 và khoản 4 Điều 3 Thông tư 30/2022/TT-BTC .

+ Điểm a và điểm b khoản 2 Điều 7 Thông tư 42/2023/TT-BTC .

+ Các quy định về mức chi sinh hoạt phí, bảo hiểm y tế tại nước ngoài quy định tại các nhiệm vụ, Đề án đào tạo, bồi dưỡng nước ngoài khác theo quy định của cấp có thẩm quyền (nếu có).

- Các Bộ, cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực tại nước ngoài chịu trách nhiệm quản lý kinh phí để chi trả cho lưu học sinh, người học đảm bảo đúng đối tượng, nội dung, mức chi theo quy định; theo dõi, quản lý số tiền chi trả đảm bảo không cấp trùng và thực hiện giảm trừ tương ứng số tiền đã chi trả tại Việt Nam trong tổng số kinh phí của người học được hưởng theo chế độ quy định.

- Khi xác định được thời điểm có thể thực hiện chuyển kinh phí (sinh hoạt phí, bảo hiểm y tế) ra nước ngoài cho lưu học sinh, người học đang học tập ở nước ngoài, các Bộ, cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực tại nước ngoài phối hợp với Kho bạc nhà nước chấm dứt việc thực hiện phương thức thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 40/2024/TT-BTC, khôi phục việc chuyển kinh phí (sinh hoạt phí, bảo hiểm y tế) ra nước ngoài cho lưu học sinh, người học đang học tập ở nước ngoài theo quy định hiện hành tại các Thông tư của Bộ Tài chính quy định việc quản lý, sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ, Đề án đào tạo, bồi dưỡng tại nước ngoài (gồm: Thông tư liên tịch 144/2007/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG và Thông tư liên tịch 206/2010/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG ; Thông tư 88/2017/TT-BTC ; Thông tư 54/2022/TT-BTC ; Thông tư 30/2022/TT-BTC ; Thông tư 42/2023/TT-BTC ) và các quy định khác có liên quan theo quy định của cấp có thẩm quyền (nếu có).

Thông tư sô 40/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 05/7/2024.
3. Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT ngày 03/6/2024 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đại học quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Ngày 03/6/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT Quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Theo đó, Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân gồm: nội dung công khai, cách thức và thời điểm công khai, tổ chức thực hiện.

Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT được áp dụng với các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng có đào tạo ngành Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng, trường chuyên biệt và các cơ sở giáo dục khác thực hiện hoạt động giáo dục thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục); các tổ chức khác và cá nhân có liên quan.

Việc thực hiện công khai các nội dung không nêu trong Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Lưu ý: Quy định về công khai trong Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT không áp dụng đối với thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác hoặc thông tin chưa được công khai theo quy định của pháp luật.

Theo Điều 2 Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT thì mục đích của việc công khai nhằm minh bạch các thông tin có liên quan của cơ sở giáo dục để nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, người lao động, người học, gia đình người học và xã hội biết, tham gia giám sát hoạt động của cơ sở giáo dục.

Theo Điều 3 Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT thì nguyên tắc thực hiện công khai được quy định như sau:

- Việc thực hiện công khai bảo đảm đúng các quy định tại Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT và các quy định của pháp luật liên quan.

- Thông tin công khai bảo đảm chính xác, rõ ràng, đầy đủ, kịp thời, dễ tiếp cận.

 Trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục khác có đào tạo các trình độ của giáo dục đại học và các trường cao đẳng có đào tạo ngành Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng:

- Căn cứ vào Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT, xây dựng và ban hành quy định cụ thể về công khai trong hoạt động của cơ sở giáo dục trong thời gian 90 ngày kể từ ngày Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực;

- Tổ chức thực hiện, tổng kết, đánh giá công tác công khai và xây dựng phương hướng, nhiệm vụ công khai trong việc thực hiện tổng kết, đánh giá công tác hằng năm (hoặc năm học) và phương hướng, nhiệm vụ năm (hoặc năm học) tiếp theo của cơ sở giáo dục;

- Báo cáo về công tác công khai khi có yêu cầu bằng văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19 tháng 7 năm 2024. 

II. VĂN BẢN QUẢN LÍ NỘI BỘ BAN HÀNH

Trong tháng 7, Trường không ban hành văn bản quản lý nội bộ mới.

III. CÁC VĂN BẢN HẾT HIỆU LỰC

1. Thông tư số 01/2017/TT-BGDĐT ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hướng dẫn giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường tiểu học, trường trung học cơ sở.

2.  Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

PHÒNG THANH TRA – PHÁP CHẾ