Ngày 22 tháng 6 năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT (sau đây viết tắt là Thông tư 17) quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ giáo dục đại học.
Thông tư 17 là căn cứ để Bộ GDĐT ban hành các quy định về mở ngành đào tạo, xác định chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo, liên thông trong đào tạo, các tiêu chuẩn đánh giá, kiểm định chương trình đào tạo đối với các cơ sở giáo dục đại học. Đồng thời là cơ sở pháp lý để các cơ sở giáo dục đại học xây dựng, thẩm định, phê duyệt, thực hiện, đánh giá và cải tiến chương trình đào tạo; xây dựng các quy định về tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo, công nhận và chuyển đổi tín chỉ cho người học, công nhận chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo khác; thực hiện trách nhiệm giải trình về chất lượng chương trình đào tạo. Thông tư 17 cũng là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra về chương trình đào tạo và bảo đảm chất lượng chương trình đào tạo; các bên liên quan và toàn xã hội giám sát hoạt động và kết quả đào tạo của cơ sở đào tạo. Trong đó nội dung Thông tư 17 có một số điểm đáng lưu ý như sau:
Thứ nhất, quy định của Thông tư 17 yêu cầu việc xây dựng chuẩn đầu ra cho các chương trình đào tạo phải đảm bảo phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam cũng như chuẩn chương trình theo nhóm ngành, lĩnh vực. Điều này giúp quản lý được chất lượng đào tạo đồng bộ, tránh tình trạng cùng một ngành ở cùng một trình độ được đào tạo ở các trường khác nhau nhưng không đảm bảo những chuẩn mực chung tối thiểu để đào tạo ra nhân lực của ngành nghề đào tạo đó.
Thông tư 17 cũng quy định chuẩn đầu vào và khối lượng học tập của các chương trình đào tạo.
Đối với trình độ đại học và chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7, người học phải tốt nghiệp Trung học phổ thông hoặc trình độ tương đương. Chương trình đào tạo đại học có khối lượng 120 tín chỉ, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng-an ninh theo quy định hiện hành. Chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7 có khối lượng 150 tín chỉ, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng-an ninh theo quy định hiện hành hoặc 30 tín chỉ đối với người có trình độ đại học thuộc cùng nhóm ngành.
Khối lượng học tập tối thiểu đối với các chương trình đào tạo song ngành phải cộng thêm 30 tín chỉ, đối với chương trình đào tạo ngành chính - ngành phụ phải cộng thêm 15 tín chỉ so với chương trình đào tạo đơn ngành tương ứng.
Đối với chương trình đào tạo thạc sĩ, người học phải tốt nghiệp đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) ngành phù hợp; có trình độ ngoại ngữ bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương. Đối với chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu, người học phải tốt nghiệp đại học hạng khá trở lên hoặc có công bố khoa học liên quan đến lĩnh vực sẽ học tập. Chương trình đào tạo thạc sĩ có khối lượng 60 tín chỉ đối với người có trình độ đại học thuộc cùng nhóm ngành.
Đối với chương trình đào tạo tiến sĩ, người học phải tốt nghiệp thạc sĩ hoặc chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7 của ngành phù hợp hoặc tốt nghiệp hạng giỏi trình độ đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) ngành phù hợp; có trình độ ngoại ngữ bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (hoặc trình độ tương đương trở lên); có năng lực, kinh nghiệm nghiên cứu. Chương trình đào tạo tiến sĩ có khối lượng 90 tín chỉ với người có trình độ thạc sĩ, 120 tín chỉ với người có trình độ đại học thuộc cùng nhóm ngành.
Thứ hai, do chuẩn chương trình đào tạo là những yêu cầu tối thiểu, cốt lõi mà tất cả chương trình đào tạo cần phải đáp ứng nên các cơ sở giáo dục đại học được hoàn toàn tự chủ và linh hoạt trong quá trình xây dựng, phát triển các chương trình đào tạo để khẳng định uy tín, thương hiệu của trường mình.
Thứ ba, với tiếp cận xuyên suốt theo hướng quản lý chất lượng đầu ra, việc “đánh giá đạt chuẩn đầu ra chương trình đào tạo” được xem là một yêu cầu mới đối với quản lý chất lượng đào tạo. Cách tiếp cận quản lý chất lượng này yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học không chỉ minh bạch chuẩn đầu ra cho các bên liên quan mà còn phải cung cấp được minh chứng người tốt nghiệp đạt được những chuẩn đầu ra mà cơ sở giáo dục đại học đã tuyên bố với người học và các bên liên quan cũng như toàn xã hội.
Thứ tư, để đảm bảo quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học, Thông tư 17 không quy định cụ thể theo hướng “cầm tay chỉ việc” mà quy định những yêu cầu cơ sở giáo dục đại học cũng như các bên liên quan cần thực hiện trong mỗi nội dung công việc liên quan đến chất lượng các chương trình đào tạo.
Thứ năm, các nội dung quy định về chuẩn chương trình đào tạo đảm bảo đầy đủ các yếu tố cấu thành để phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong đối với chương trình đào tạo, làm cơ sở đối sánh trong quá trình kiểm định chương trình đào tạo. Cách tiếp cận này hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học có cơ chế bảo vệ bền vững cho các chương trình đào tạo và tạo tiền đề quan trọng để các chương trình đào tạo đạt được tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trong nước cũng như của quốc tế.
Thứ sáu, quản lý chuẩn đầu ra không chỉ dừng lại ở việc minh bạch chất lượng chương trình đào tạo cho các bên liên quan mà còn phải “sử dụng kết quả đánh giá chương trình đào tạo để cải tiến chất lượng liên tục”. Đây chính là triết lý chính của bảo đảm chất lượng mà các nhà giáo dục trên thế giới vẫn đang hướng đến và cũng là một thực hành tốt hiện các nước có nền giáo dục tiên tiến đang áp dụng.
Thông tư 17 sẽ có hiệu lực từ ngày 07 tháng 8 năm 2021 và thay thế Thông tư số 07/2015/TT- BGDĐT ngày 16 tháng 4 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo ban hành Thông tư quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực người học đạt được khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học và quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Chi tiết Thông tư xem tại đây: thong_tu_17_2021chuan_ctdt_final.pdf