Thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra học kỳ I năm học 2008-2009, Nhà trường đã thành lập Đoàn thanh tra do PGS - TS . Ngô Sỹ Tùng - Phó Hiệu trưởng làm Trưởng đoàn và ông Hà Văn Sơn – Trưởng phòng Thanh tra Giáo dục làm Phó trưởng đoàn. Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra theo chuyên đề tại phòng Quản trị và Trung tâm phục vụ sinh viên từ ngày 29/10 - 01/11/2008, kết quả như sau:
I. TẠI PHÒNG QUẢN TRỊ:
Trên cơ sở báo cáo tổng hợp của phòng Quản trị, Đoàn thanh tra đã trực tiếp kiểm tra tại các nhà học để xem xét chất lượng và hiệu quả phục vụ dạy-học.
I.1. Tổng hợp số liệu:
1. Theo Báo cáo của phòng Quản trị, hiện tại Trường có 192 phòng học, trong đó có 142 phòng học kiên cố và 50 phòng học nhà cấp 4, cơ cấu các loại phòng học như sau:
- Loại 4 gian trở lên: 28 phòng (sức chứa 100 - 200 chỗ ngồi)
- Loại 3 gian : 91 phòng (sức chứa 60 - 80 chỗ ngồi)
- Loại 2 gian : 63 phòng (sức chứa 40 - 60 chỗ ngồi)
- Loại 1 gian : 10 phòng (sức chứa 15 - 20 chỗ ngồi)
Các phòng học đảm bảo đủ ánh sáng, che nắng, che mưa và tránh bão. Với số phòng học như trên, sức chứa khoảng 12.000-15.000 người học/ 1 ca học.
Như vậy, nếu học 2 buổi/ ngày (không kể thứ 7 và chủ nhật) thì số phòng học đủ để phục vụ 25.000-30.000 người học trong cùng một khoảng thời gian. Tuy nhiên, Trường đã sử dụng cả các ngày thứ 7, chủ nhật, buổi tối và có hệ thống phòng thực hành/ thí nghiệm nên có thể đảm bảo chỗ ngồi học cho khoảng trên 30.000 HS, SV, HV học tập trung tại Trường.
2. Đối với các phòng học lớn (có từ 80 chỗ ngồi trở lên), Trường đã bố trí loa máy, cụ thể có 60 phòng học được cài đặt 60 bộ tăng âm. Để phục vụ cho bài giảng điện tử, Trường đã lắp đặt 14 bộ máy tính, màn hình, máy chiếu tại 14 phòng học chuyên dụng.
3. Để đảm bảo việc vận hành, sử dụng phòng học và trang thiết bị, phòng Quản trị đã có một bộ phận chuyên trách phục vụ dạy- học gồm 2 kỹ thuật viên phục vụ loa máy, 11 nhân viên đóng mở và vệ sinh phòng học và 26 nhân viên hợp đồng vụ việc làm vệ sinh các nhà học và môi trường xung quanh.
Các cán bộ, nhân viên của bộ phận phục vụ phòng học đã được phân công nhiệm vụ cụ thể và trách nhiệm rõ ràng, nên nhìn chung đã đảm bảo được yêu cầu cơ bản về điều kiện phòng học, loa máy phục vụ dạy-học và vệ sinh môi trường.
I.2. Kết quả kiểm tra:
1. Đoàn thanh tra đã trực tiếp kiểm tra tại các nhà học, kết quả như sau:
a, Về ánh sáng, chỗ ngồi, chất lượng phòng học, vệ sinh:
- Các phòng học đều đảm bảo đủ ánh sáng; có đủ bàn ghế tương ứng với diện tích phòng, bàn ghế đảm bảo chất lượng.
- Hầu hết các phòng học đảm bảo che nắng, che mưa và phòng tránh bão. Tuy nhiên vẫn còn một số phòng học nhà cấp 4 chưa vững chắc, cá biệt có phòng bị dột khi có mưa ( P.20, P.74).
- Có 11 phòng học sử dụng đèn chiếu và màn hình nhưng ánh sáng hơi loá, cần được che chắn lại (gồm 2 phòng thuộc nhà A4 và 9 phòng thuộc nhà B2, B3).
- Vệ sinh các nhà học nhìn chung sạch sẽ. Tuy vậy, vẫn còn một số buồng vệ sinh bị hư hỏng, có mùi hôi (ở khu nhà B, tầng 1 nhà G).
b, Phương tiện, thiết bị kỹ thuật:
- Quạt điện ở các phòng học phần lớn sử dụng tốt, tuy vậy vẫn còn 7 phòng sử dụng quạt điện quá cũ, chạy ồn (A0-501, B1-302, B2-102, P.20, P.33, P.35 P.95).
- Micrô, loa, tăng âm:
+ Ở khu giảng đường nhà A mới được thay mới, chất lượng sử dụng tốt.
+ Ở khu giảng đường nhà B, có 3 phòng chất lượng âm thanh không đảm bảo
(B1-303, B3-301, B3-302).
+ Phòng A0-402 là phòng học lớn nhưng chưa có loa, tăng âm.
- Máy tính, đèn chiếu:
Có 9 phòng đèn hình bị mờ (B2-505, B3-403, B3-501, B3-502, B3-503, A4-101, A4-102, A4-201, A4-202), 3 phòng đèn chiếu bị hỏng (B2-405, B3-401, B3-402), phòng B2-501 máy tính hay bị treo.
2. Nhận xét chung:
a, Việc trang bị bàn ghế, phương tiện kỹ thuật tại các phòng học đã được chú trọng và nhìn chung đảm bảo phục vụ dạy – học. Tuy nhiên, Nhà trường cần tiếp tục đầu tư sửa chữa, bổ sung phương tiện kỹ thuật cho các phòng học lớn và phòng học sử dụng bài giảng điện tử.
b, Việc tổ chức quản lý, sử dụng phòng học đã được phòng Quản trị thực hiện nghiêm túc, đảm bảo hiệu suất và hiệu quả phục vụ. Tuy vậy, cần tiếp tục làm tốt khâu vệ sinh tại các phòng học, hành lang, cầu thang và khu vệ sinh tại các nhà học.
I.3. Đề xuất, kiến nghị:
1. Đề nhị Nhà trường và các đơn vị nhắc nhở, động viên cán bộ và học sinh, sinh viên, học viên có ý thức tiết kiệm điện, nước và giữ gìn vệ sinh khu giảng đường.
2. Các đơn vị chức năng (Phòng Quản trị, Phòng QLKH-TB) cần thường xuyên kiểm tra việc bảo quản, sử dụng phòng học và các phương tiện kỹ thuật phục vụ dạy-học để kịp thời sửa chữa, thay thế khi cần thiết.
3. Đưa vào nội dung giới thiệu CSVC của Trường vào học chính trị đầu khoá để hướng dẫn học sinh-sinh viên cách sử dụng thiết bị, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
II. TẠI KHU KÝ TÚC XÁ THUỘC TRUNG TÂM PHỤC VỤ SINH VIÊN:
II.1. Thống kê số liệu:
1. Theo báo cáo của Trung tâm phục vụ sinh viên, hiện tại Trường có 3 nhà KTX cao tầng, gồm 170 phòng ở, dành cho sinh viên và cán bộ thỉnh giảng. Hiện tại đã sử dụng 101 phòng ở với 413 sinh viên người nước ngoài (Lào: 359, Thái Lan: 17, Trung Quốc: 37), 31 phòng ở với 248 sinh viên Việt Nam và 9 phòng ở với 15 giường cho khách và chuyên gia. Còn 29 phòng ở chưa sử dụng, dành để đón sinh viên Trung Quốc và Lào tiếp tục nhập học.
Các phòng ở KTX nhà cao tầng đều được trang bị giường nằm, quạt, bóng điện, có buồng tắm và buồng vệ sinh riêng cho từng phòng. Phòng ở dành cho sinh viên người nước ngoài còn được đặt thêm bình nước nóng (138 chiếc), máy điều hoà nhiệt độ (78 chiếc), ti vi (80 chiếc). Tuy nhiên, do một số bình nước nóng và máy điều hoà nhiệt độ tại ký túc xá số 4 là đồ cũ chuyển từ nơi khác về nên hư hỏng nhiều.
Trường có 13 nhà KTX cán bộ, gồm 82 phòng ở 1 gian. Các phòng ở đều có hệ thống điện, công tơ điện, công trình phụ, vòi nước máy riêng. Các nhà KTX cán bộ đều là nhà cấp 4 được xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp và bị hư hỏng nặng. Trường đã bố trí cho 39 cán bộ độc thân và 47 hộ gia đình ở tại KTX cán bộ. Hiện tại có 5 phòng ở thực tế cán bộ không sử dụng nữa nhưng vẫn chưa trả lại cho Nhà trường (đ/c Nguyễn Xuân Bính-khoa GDTH, đã nghỉ hưu; đ/c Nguyễn Ngọc Việt-khoa Thể dục; đ/c Nguyễn Hữu Quang-khoa Toán; đ/c Nguyễn Văn Lan-khoa N-L-N; đ/c Nguyễn Tiến Dũng- khoa N-L-N).
2. Trung tâm Nội trú trước khi sát nhập vào Trung tâm phục vụ sinh viên gồm có 6 CBNV. Số CBNV này được phân công làm việc theo ca để làm các nhiệm vụ: bố trí phòng ở, vệ sinh môi trường, theo dõi trật tự an ninh, đề nghị sửa chữa điện, nước khi bị hư hỏng.
- Việc làm vệ sinh khu KTX sinh viên được phân công như sau:
+ Người trọ làm vệ sinh trong phòng ở.
+ Thuê nhân công làm vệ sinh hành lang, cầu thang.
+ Nhân viên của Trung tâm nội trú làm vệ sinh các khu vực còn lại.
- Giữ gìn trật tự trị an khu Nội trú:
+ Quy định giờ tiếp khách tại phòng trọ được thực hiện từ 17 giờ đến 20 giờ hàng ngày (trừ chủ nhật và ngày lễ).
+ Tuyên truyền, giáo dục, kiểm tra việc thực hiện trật tự trị an.
+ Lập biên bản xử lý các trường hợp vi phạm.
II.2. Kiểm tra thực tế:
Đoàn thanh tra đã trực tiếp kiểm tra phòng ở tại các nhà ký túc xá số 1, số 2, số 4 kết quả như sau:
1.Về sắp xếp phòng ở, vệ sinh:
- Ở ký túc xá số 2: Các phòng ở sinh viên Việt Nam được sắp xếp tương đối gọn gàng, ngăn nắp. Các phòng ở của sinh viên nước ngoài được sắp xếp tương đối gọn nhưng chưa đẹp, một số phòng ở còn treo ảnh không hợp mỹ quan.
- Ở ký túc xá số 4:
+ Các phòng ở của sinh viên sắp xếp chưa gọn gàng, một số phòng sắp xếp lộn xộn, vệ sinh chưa sạch sẽ.
+ Các phòng ở của khách và chuyên gia được sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ.
+ Phòng ăn của chuyên gia sắp xếp còn lộn xộn (có cả giá sách, đệm mút để trong phòng ăn).
- Ở ký túc xá số 1:
Các phòng ở sắp xếp chưa gọn gàng, ngăn nắp.
Nhìn chung, việc sắp xếp phòng ở và vệ sinh ở khu vực ký túc xá đã có sự chuyển biến bước đầu. Phía sau các nhà ký túc xá đã được vệ sinh tương đối sạch sẽ, đảm bảo cảnh quan môi trường.
2. Về trật tự trị an và nề nếp tự học:
- Tại thời điểm kiểm tra, tình hình trật tự an ninh được đảm bảo, KTX yên tĩnh.
- Nề nếp tự học còn yếu, hầu hết sinh viên có mặt ở các phòng trọ chưa thực hiện đầy đủ giờ tự học ở nhà.
II.3. Đề xuất, kiến nghị.
1.Trung tâm phục vụ sinh viên cần tiếp tục đổi mới việc sắp xếp, bố trí nhân lực lao động một cách hợp lý, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ nhân viên trong việc quản lý, xây dựng ký túc xá sinh viên trở thành ký túc xá “Xanh-sạch-đẹp-an toàn- thân thiện”. Cần phát động phong trào xây dựng nề nếp tự học ở ký túc xá.
2. Nhà trường cần đầu tư, sửa chữa hệ thống mương thoát nước xung quang ký túc xá số 2 và số 4, cho trồng cây và làm nền sân phía sau các nhà ký túc xá.
3. Cần quy hoạch và lắp đặt hệ thống dây mạng Inernet ở khu ký túc xá sinh viên nước ngoài đảm bảo gọn gàng và an toàn về điện.
4. Đề nghị Nhà trường thu hồi các phòng ký túc xá mà hiện tại cán bộ không ở nữa.